Hai sắc hoa ti gôn

Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ đến với yêu đương.

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng: “Hoa dáng như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi”.

Thuở ấy nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly
Cho nên cười đáp: “Màu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy”.

Đâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trời gian khổ chết yêu đương
Người xa xăm quá, tôi buồn lắm
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường.

Từ đấy thu rồi thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy cho nên vẫn hững hờ.

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người.

Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm phai.

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi.

Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng
Người ấy ngang sông đứng ngóng đò.

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi! Người ấy có buồn không
Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?

T.T.KH

Hai sắc hoa Tigôn
TTKH

.
Em vẫn thơ ngây chẳng biết sầu
Ái tình em ðã biết chi ðâu
Cười vui trong cảnh thần tiên mộng
Em ước thơ ngây ðến bạc ðầu

Xuân ấy em còn tính trẻ thơ
Dưới vườn ðào thắm liễu buông tơ
Em vui em nghịch, em ðâu biết
Số kiếp ði qua chẳng ðợi chờ

Bóng ai ðưa ðến giữa vườn xuân
Giấc mộng êm ðềm của ái ân
Mơ chốn tim em, anh tự nhủ
Ái tình ðã ðến tựa ngàn xuân

Tình ðã trôi theo lớp bạc ðầu
Lời thề em chắc ðã mờ phai
Hỡi ai còn nhớ lời ngày ấy
Vẫn ðứng trong vườn dưới gốc mai.

Trông ngóng thư anh dõi ái tình
Trời ðã hiu hắt mặc làm thinh
Ôm hoa em khóc ðời tan nát
Khóc cánh hoa rõi, khóc phận mình

Ngày qua tháng lại ngậm ngùi thương
Hoa nở hoa tàn với gió sương
Em chẳng chọn hoa tung trước gió
Trong lòng ðã tắt lửa yêu ðương


Biển

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê…

Bờ đẹp đẽ cát vàng
Thoai thoải hàng thông đứng
Như lặng lẽ mơ màng
Suốt ngàn năm bên sóng…

Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi

Đã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt…

Cũng có khi ào ạt
Như nghiến nát bờ em
Là lúc triều yêu mến
Ngập bến của ngày đêm

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng cũng xin làm sóng biếc
Để hát mãi bên gành
Khúc tình chung không hết

Để những khi bọt tung trắng xoá
Và gió về bay toả nơi nơi
Như hôn mãi ngàn năm không thoả,
Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!

Xuân Diệu

Ngậm ngùi

Nắng chia nửa bãi chiều rồi…
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi ! Hãy ngủ ….anh hầu quạt đây
Lòng anh mở với quạt này
Trăm con chim mộng về bay đầu giường
Ngủ đi em , mộng bình thường !
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ…
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ…
-Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hãy tựa đâu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi….

Huy Cận

Nhớ lại đừng quên

Bỗng nhớ lại con đường ta đã dạo
Cây co ro treo lá rét mùa đông
Tay em ấm cớ chi tôi dại dột
Lỡ buông ra sơ ý , lá rơi thầm

Bỗng nhớ lại những ngày xuân em ốm
Mới quen nhau tôi chẳng dám thăm nhà
Cứ quanh quẩn bên đường như mất trộm
Trái tim mình , ai lấy kiếm chưa ra

Bỗng nhớ lại cơn mưa chiều thoáng bay
Ta chia tay không rõ lí do gì
Chưa thấm thía những dòng mưa khi ấy
Là những dòng mùa hạ sắp chia li

Bỗng nhớ lại , nói điều sao giản dị
Tôi như em ngây dại đến vô cùng
Chỉ cần một trong hai người biết nghĩ
Lúc bấy giờ ta dễ mất nhau không?

Đoàn Vị Thượng

Áo lụa Hà Đông

Áo lụa Hà Đông

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn nguyên màu lụa trắng

Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa

Gặp một bữa anh đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỉ của tâm hồn
Thơ học trò anh chất lại thành non
Và đôi mắt ngây ngất thành chất rượu

Em chưa nói đã nghe lừng giai điệu
Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
Anh vẫn trông lên bằng đôi mắt chung tình
Với tay trắng em vào thơ diễm tuyệt

Em chợt đến chợt đi anh vẫn biết
Trời chợt mưa chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Để anh gọi tiếng thơ buồn vọng lại

Để anh giận mắt anh nhìn vụng dại
Giận thơ anh sao chẳng nói nên lời
Em đi rồi sám hối chạy trên môi
Những ngày tháng trên vai buồn bỗng nặng

Em ở đâu hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn nguyên màu lụa trắng.

Nguyên Sa

Bài Thơ “khởi đầu” của Thơ Mới – ra đời khi nào?

Ảnh: Tác giả Phan Khôi
Tôi đã tính chờ khi sưu tập “Tác phẩm đăng báo 1932” của Phan Khôi do tôi biên soạn được in ra đã, rồi hãy kể việc này. Nhưng gần đây, thầy trò giảng viên Phạm Xuân Thạch cũng đã phát hiện ra điều này và phone cho tôi, nên bây giờ xin kể luôn.

Lâu nay người ta tạm dùng dữ kiện đã biết: bài thơ Tình già là một phần nội dung bài báo của Phan Khôi nhan đề Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ, đăng tuần báo Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn ngày 10/3/1932.
Dữ kiện nói trên, nếu đem đối chiếu với một vài tư liệu báo chí đương thời ở ngoài Bắc, sẽ thấy đôi điều không phù hợp.
Chẳng hạn, chỉ 2 ngày sau khi Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn đăng bài báo nói trên, thì ở Hà Nội, trên tờ Đông tây của chủ nhiệm Hoàng Tích Chu, người ta đã thấy có bài của Phan Khôi nhan đề Về lối thơ mới sau bài Tình già: Vừa mở ra đã có người lo cột lại! (Đông tây, 12/3/1932) trong đó Phan Khôi lên tiếng đáp lại một ý kiến, tất nhiên, còn xuất hiện sớm hơn nữa: ấy là Thượng Minh với bài “Đôi lời về lối thơ mới của Phan Khôi” (Đông tây, 17/2/1932). Ngay câu mở đầu, tác giả Thượng Minh cho biết: ông đã được “xem bài Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ của Phan tiên sinh, đăng trong Tập văn mùa xuân của Đông tây”.
Như vậy, toàn bộ bài báo “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ” của Phan Khôi trong đó có bài thơ Tình già , đã được đăng sớm hơn (sớm hơn so với thời điểm đăng Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn 10/3/1932), trên một giai phẩm xuân 1932 của báo Đông tây, xuất bản tại Hà Nội. Ít nhất, như ta có thể dự đoán, giai phẩm ấy đã được phát hành vào dịp Tết âm lịch Nhâm Thân (1932).
Tác phẩm của Phan Khôi
Người ta biết, ngày mồng 1 tết Nhâm Thân là ngày 6/2/1932 (dương lịch); các loại báo tết, giai phẩm xuân thường được phát hành trước Tết. Vậy “Tập văn mùa xuân” của báo Đông tây có lẽ đã được phát hành trước thời điểm kể trên.
Tiếc rằng hiện chưa tìm ra được văn bản. Song, việc tập giai phẩm ấy đã ra mắt tại Hà Nội vào dịp xuân 1932, trong đó có đăng bài Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ của Phan Khôi mà phần cuối bài báo đó là toàn văn bài thơ Tình già, – là điều chắc chắn.
2. Tiện thể nói thêm về ký giả Thượng Minh phản hồi ra sao trước lối thơ mới mà Phan Khôi đem trình ra giữa làng thơ. Trước tiên, ông cũng chia sẻ với họ Phan về những gò bó trong luật thơ cũ, từng khiến người làm thơ “nơm nớp, sợ hết chứng nọ đến tật kia: lạc vận, vất đi; khổ độc, sổ toẹt; thất niêm, vòng mép; thất luật, đánh đòn. Da chi dĩ lại còn lo trong một câu, mà chữ thứ mấy điệp vận với chữ thứ mấy, thì bị quở là có bệnh phong yêu hạc tất!”
Thế nhưng ký giả này cũng không thoát khỏi quan niệm: đã là thơ thì phải có vần, lại phải hạn định số từ trong mỗi câu, nếu không, theo ông, thơ sẽ chẳng khác gì văn xuôi! Và Thượng Minh đã “gà” cho Phan Khôi sửa lại bài Tình già thành một bài thơ “lục ngôn tân thể” đại khái như:

Từ hai mươi bốn năm xưa,
Một đêm vừa gió, vừa mưa,
Dưới đèn mờ, trong nhà nhỏ,
Đôi bạn đầu xanh than thở;
v.v…

Phan Khôi tất nhiên không tán thành Thượng Minh. Chính ý kiến bảo thủ của Thượng Minh khiến Phan Khôi phát rầu vì thấy thanh niên nước mình sao mà cổ lỗ thế! Cổ lỗ hơn cả người già!
Nhắc đến tình hình thơ một số nước khác, đương thời ấy, Phan Khôi viết rằng: “Làng thơ bên Pháp lâu nay có nảy ra một lối thơ mới kêu là “thi tự do” (vers libre). Nó đã không niêm, không luật, không hạn chữ, cũng không có vần nữa. Bên Tàu chừng hơn 10 năm nay cũng có lối thơ mới ấy rất thịnh hành”.
TÌNH GIÀ

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa,

Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh kề nhau than thở:

– “Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn đà không đặng;

Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!”

– “Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ?

Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thuỷ chung?”
***
Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau;
Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được!
Ôn chuyên cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! con mắt còn có đuôi
(Phan Khôi)
3. Về phần Phan Khôi, ông không tán thành thơ tự do; nhưng thật ra ông chỉ không tán đồng nguyên tắc không vần, còn lại, ông tác đồng tất cả các nguyên tắc khác của nó. “Theo cái nguyên tắc ấy tôi mới thành lập lối thơ mới của tôi, tức như bài Tình già. Bài này, không niêm, không luật, không hạn chữ, nhưng mà phải có vần, ấy là tôi làm nó ra theo như cái nguyên tắc tôi đã lập”.
Phan Khôi khuyên những bạn đọc như Thượng Minh: hãy chọn thái độ, hoặc tán thành hoặc phản đối lối thơ mới này chứ đừng tìm cách sửa chữa hay điều đình.
“Ép có vận mà không ép có quy tắc nhất định, lại chẳng được hay sao? Lấy cớ gì mà nói được rằng “đã ép câu nọ có vần với câu kia thì cũng lại cần có quy tắc nhất định”? Ba chữ “cũng lại cần” là nghĩa gì? Thượng Minh cần mà Phan Khôi đây không cần, lại chẳng được sao? Làm sao hễ bài thơ đã bỏ vần vào cuối câu thì nhất định bài đó phải ép mỗi câu là bao nhiêu chữ? Toàn là cái sự không có lý (vô lý chi sự), Thượng Minh nói, tôi nghe chẳng lọt tai.
Thượng Minh sửa bài thơ Tình già của tôi thành ra mỗi câu 6 chữ, như vậy thì sao lại kêu là “thơ mới” được. Như, của Thượng Minh sửa lại đó thì nó là thể “lục ngôn cổ phong”, đó Thượng Minh! Tôi xin các ông đi, đừng có làm như Thượng Minh nữa. Lối thơ mới ấy của tôi, có đứng được thì để, không đứng được thì bỏ đi, chớ đừng có điều đình, tôi đã “bất điều đình” mà!”
Nhân thể, Phan Khôi trình thêm ra một bài thơ mới thứ hai nữa, mà ông nói trước là không hay gì, chỉ có tính chất quảng cáo; ông đưa ra cốt chứng tỏ rằng lố thơ mới “đặt thế nào cũng được, không phải một thế như bài Tình già”!
Bài thơ ấy không hay nên khỏi dẫn lại ở đây.

Nguồn: TTVH
Sưu tầm : Nguyen Quang Bình