Nhà thơ Huy Cận : tiểu sử và tác phẩm

Nhà thơ Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận, sinh ngày 31 tháng 5 năm 1919 tại xã Ân Phú, huyện Dương Sơn, Hà Tĩnh. Nơi ở hiện nay: Hà Nội, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam 1957.

Trước cách mạng tháng Tám, Huy Cận đi học (Tú tài, Cao đẳng Nông Lâm…) và hoạt động Văn học. Từ đầu năm 1942, vừa học Nông Lâm vừa tham gia hoạt động bí mật và làm thơ, viết văn. Cuối tháng 7-1945, tham dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào và được bầu vào ủy ban dân tộc giải phóng toàn quốc (sau mở rộng thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và vào Huế nhận sự thoái vị của Bảo Đại. Là Bộ trưởng Canh nông và Thanh tra đặc biệt của Chính phủ lâm Thời. Từ 5-11 năm 1946 là Thứ trưởng Bộ Nội Vụ. Trong kháng chiến chống Pháp là Thứ trưởng Bộ Canh nông (12-1946 đến 7-1947) rồi Thứ trưởng Bộ Kinh tế (1947-1949). Từ 1949 đến 1955: Thứ trưởng, Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ. Từ 1955 đến 1984: Thứ trưởng Bộ Văn hóa; Từ tháng 9-1984: Bộ trưởng, kiêm Chủ tịch ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Hiện là Phó chủ tịch ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Nhà thơ còn là Đại biểu Quốc hội khóa 1, 2 và 7.

Được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt I-1996).

Tác phẩm:

THƠ: Lửa thiêng (1940); Vũ trụ ca (1942); Trời mỗi ngày lại sáng (1958); Đất nở hoa (1960); Bài thơ của đời (1963); Hai bàn tay em (1967); Phù Đổng Thiên Vương (1968); Những năm 60 (1968); Cô gái Mèo (1972); Thiếu niên anh hùng họp mặt (1973); Chiến trường gần chiến trường xa (1973); Những người mẹ, những người vợ (1974); Ngày hằng sống, ngày hằng thơ (1975); Sơn Tinh, Thủy Tinh (1976); Ngôi nhà giữa nắng (1978); Hạt lại gieo (1984); Tuyển tập Huy Cận tập I (1986); Chim làm ra gió (1991); Tào Phùng (1993); Thơ tình Huy Cận (1994); Marées de la Mer orientale Paris (1994); Tuyển tập Huy Cận II (1995); Thiên việt lương việt lãng (Bắc Kinh, 1959); Messages stellaires et terrestres (Canada, 1996); Thơ Huy Cận (1996).

VĂN: Tâm sự gái già (1940); Kinh cầu tự (1942); Suy nghĩ về nghệ thuật (1980 – 1982); Culture et politique république socialiste du Việt Nam. Paris (1985); Một cuộc cách mạng trong thi ca (chủ biên cùng Hà Minh Đức, 1993); Suy nghĩ về bản sắc dân tộc (1994); Các vùng văn hóa Việt Nam (chủ biên cùng Đinh Gia Khán, 1995); Culture Vietnamienne (traditionnelle et contemporaine, 1997).

Tràng Giang

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc giữa dòng

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, chiều lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu

Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Lòng quê dờn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Huy Cận

Ngậm ngùi

Nắng chia nửa bãi chiều rồi…
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi ! Hãy ngủ ….anh hầu quạt đây
Lòng anh mở với quạt này
Trăm con chim mộng về bay đầu giường
Ngủ đi em , mộng bình thường !
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ…
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ…
-Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hãy tựa đâu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi….

Huy Cận