Đi tìm tác giả bí ẩn T.T.Kh – Kỳ 1: Câu chuyện tình buồn 70 năm trước

T.T.Kh là một câu chuyện chưa từng có trong lịch sử văn chương. Đó là câu chuyện về một thi sĩ bí ẩn bỗng nhiên tung lên thi đàn mấy bài thơ tình tuyệt tác làm ngẩn ngơ độc giả rồi lặng lẽ biến mất trong cái bàng hoàng sửng sốt của người yêu thơ.

Bảy mươi năm đã trôi qua kể từ ngày xảy ra câu chuyện kỳ lạ ấy. Rất nhiều người đã tìm cách vén lên bức màn bí ẩn của câu chuyện nhưng hầu như chưa ai làm thỏa mãn độc giả. Còn người yêu thơ vẫn luôn khát khao được biết sự thật: T.T.Kh là ai và đã vì ai mà sáng tác nên những áng thơ tình đặc sắc đó?

Có một số nhân vật được các nhà sưu tầm đưa ra để giả định rằng đó là T.T.Kh. Nam giới có, phụ nữ có. Trong số những “nghi can” có hai nhà thơ nổi tiếng là Thâm Tâm và Nguyễn Bính. Độc giả tưởng như đã lần ra được tung tích của con người kỳ lạ này nhưng sự thực không phải như vậy. Bởi tất cả những thông tin đưa ra đều do lời người khác kể lại. Còn bản thân những người như Thâm Tâm, Nguyễn Bính chưa bao giờ có phát biểu chính thức nhận mình là T.T.Kh. Vì thế, tuy người kể cũng là người có uy tín trong làng văn làng báo nhưng độc giả vẫn thấy mơ hồ khó tin. Việc tìm kiếm con người thật của T.T.Kh thành ra vẫn rơi vào vòng lẩn quẩn trong bao nhiêu năm qua, khiến câu chuyện thêm nhuốm màu huyền thoại.

Bằng cách phân tích các hình ảnh, biểu tượng, tình tiết văn học, thói quen sử dụng ngôn ngữ trong thơ, trong truyện ngắn…, tác giả Trần Đình Thu đưa ra một cách làm mới: so sánh đối chiếu với những người được cho là T.T.Kh lâu nay để nhận xét xem ai là người phù hợp nhất. Đó là cách làm khá đặc biệt so với những nhà sưu tầm khác trước đây chỉ hoàn toàn dựa vào lời kể của nhân chứng. Vì thế, Thanh Niên xin giới thiệu loạt bài viết trích từ bản thảo cuốn sách Giải mã nghi án văn học T.T.Kh chưa xuất bản của tác giả để bạn đọc tham khảo.

Kỳ 1: Câu chuyện tình buồn 70 năm trước

Có thể nhiều bạn đọc đã biết, đã thuộc làu thơ T.T.Kh nhưng vẫn có một số người khác chưa nắm rõ câu chuyện như thế nào. Vì thế, trước khi bước vào phân tích lý giải, chúng tôi xin dẫn lại toàn bộ câu chuyện này một cách có hệ thống. Câu chuyện T.T.Kh bắt đầu vào tháng 7/1937, khi tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy đăng một truyện ngắn mang tên Hoa ti gôn của nhà văn Thanh Châu. Nội dung truyện ngắn được tóm tắt như sau:

Có một họa sĩ nghèo mới ra trường. Trong một lần đi tìm cảnh vẽ, chàng đã gặp một thiếu nữ đang hái hoa ti gôn trong vườn. Từ đó, chàng đâm ra mê người đẹp, luôn đạp xe vào làng để ngắm trộm nàng hái hoa.

Năm tháng qua đi, chàng họa sĩ trở nên nổi tiếng. Tranh vẽ của chàng bán được giá rất cao. Họa sĩ trở nên giàu có. Một mùa đông, chàng đi vẽ ở một vùng nọ. Trong một bữa tiệc chiêu đãi, họa sĩ trông thấy một thiếu phụ. Chàng ngờ ngợ như đã từng gặp người này ở đâu. Cuối cùng nhớ ra, nàng chính là cô gái hái hoa ngày ấy. Trong khi khiêu vũ với nàng, chàng nhắc lại chuyện cũ. Nàng vô cùng ngạc nhiên.

Nàng kể chuyện cuộc đời mình cho chàng nghe. Nàng lấy một người chồng môn đăng hộ đối nhưng cuộc hôn nhân quá tẻ nhạt. Từ đó, nàng hay lui tới chỗ họa sĩ trọ để chơi và để chàng vẽ cho một bức chân dung. Chuyện gì đến đã đến. Một buổi sáng, hai người đi chơi ở một ngôi chùa trên đỉnh núi, chàng đã tỏ nỗi lòng mình. Nàng đáp lại tình yêu của chàng.

Chàng bàn với nàng trốn đi Nhật để chung sống với nhau. Nàng nhận lời. Chàng về Hà Nội, sắp đặt xong mọi việc thì nhận được thư nàng vào giờ chót. Nàng từ chối chuyến đi vì không đủ can đảm vượt qua. Trong thư, một dây hoa ti gôn nhỏ ép rơi ra. Chàng nhìn những nụ hoa hình quả tim vỡ, đỏ hồng như nhuộm máu, lặng lẽ hôn lên những cánh hoa và khóc.

Bốn năm sau, một hôm chàng nhìn thấy trên bàn mình một phong thư viền đen. Mở ra xem thì đó là của người chồng nàng báo tin nàng đã chết. Chàng đáp xe lửa đến nơi để đặt lên mộ nàng dây hoa quen thuộc. Từ đó, chàng luôn mua hoa ti gôn về đặt trong phòng mình.

Hoa ti gôn là một truyện ngắn không có gì đặc sắc nhưng nhẹ nhàng và bay bổng. Truyện ký thác một tâm sự khắc khoải, nhớ nhung hoài niệm. Hình ảnh dây hoa ti gôn được lặp đi lặp lại nhiều lần như muốn khơi gợi một điều gì đó không tiện nói ra. Tác giả của nó – nhà văn Thanh Châu, khi đó là một chàng trai trẻ 25 tuổi, vừa quyết định bước vào nghiệp văn chương. Chàng cũng vừa trải qua một chuyện tình buồn.

Hai tháng sau ngày Thanh Châu đăng truyện ngắn nói trên, một sự kiện đặc biệt xảy ra. Vào tháng 9/1937, tòa soạn tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy nhận được một bài thơ của một tác giả ký tên là T.T.Kh. Đó là bài Hai sắc hoa ti gôn, được đăng vào ngày 23/9/1937.

Bài thơ Hai sắc hoa ti gôn đã gây nên xúc động lớn trong lòng người yêu thơ bởi những câu thơ quá da diết. Giới văn nghệ xôn xao. Gần hai tháng sau, tòa soạn lại nhận được một bài thơ nữa. Bài thơ này có tựa đề là Bài thơ thứ nhất dù đó là bài thơ thứ hai gửi đến. Bài này được đăng trên số báo ngày 20/11/1937. Và một năm sau nữa, tòa soạn nhận thêm bài Bài thơ cuối cùng. Bài này được đăng trên số báo ra ngày 30/10/1938.

Từ đó, tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy không còn nhận thêm bài thơ nào của con người bí ẩn này nữa. Ngược lại, có một bài thơ cũng ký tên T.T.Kh gửi đến một tờ báo khác. Đó là Bài thơ đan áo.

Những bài thơ mang tên T.T.Kh đã làm cho độc giả bàng hoàng sửng sốt. Nhưng tác giả của nó đã lặng lẽ rời bỏ văn đàn, không bao giờ xuất hiện ở đâu nữa. Không ai biết một chút gì về con người bí ẩn này. Nghi án văn học T.T.Kh từ đó bắt đầu…

Năm 1942, Hoài Thanh – Hoài Chân xuất bản Thi nhân Việt Nam lần đầu tiên, T.T.Kh đã được đưa vào tập sách quan trọng này. Song song đó, nhiều người lại liên tục công bố những thông tin về T.T.Kh. Nào Thâm Tâm, nào Nguyễn Bính, nào em gái nhà thơ Tế Hanh, nào là Trần Thị Khánh… Rất nhiều “ứng viên”.

Câu chuyện về Thâm Tâm có khá nhiều người kể. Chẳng hạn Nguyễn Vỹ, một người có mặt trong Thi nhân Việt Nam đã viết một bài dài trên Tạp chí Phổ Thông vào những năm 1960. Ông Vỹ cho biết, một buổi tối trên đường về nhà, ông gặp Thâm Tâm đang lang thang. Ông mời Thâm Tâm về nhà mình uống rượu. Ngà ngà say, Thâm Tâm cao hứng kể chuyện tình của mình. Thâm Tâm cho biết, người yêu của mình là một nữ sinh tên là Trần Thị Khánh. Nàng đã có lần gợi ý Thâm Tâm đến nhà hỏi cưới nhưng chàng bảo sự nghiệp chưa có gì. Bẵng đi một thời gian, một hôm chàng nhận được phong thư báo tin nàng sắp lấy chồng. Đã bị người yêu bỏ đi lấy chồng, lại còn bị đám bạn chế nhạo, Thâm Tâm đâm ra bị quê. Vì thế đã phải thức một đêm để làm một bài thơ tựa đề là Hai sắc hoa ti gôn, ký tên T.T.Kh. Thâm Tâm làm như vậy với dụng ý để các bạn của mình tin là của Khánh làm, cho khỏi mang tiếng bị tình phụ. Sau đó, Thâm Tâm gửi bài thơ tới tòa soạn. Về phần cô gái đó, sau khi đọc được bài thơ Hai sắc hoa ti gôn, liền viết thư ******** Thâm Tâm kịch liệt. Thâm Tâm bèn lấy những câu chữ trong bức thư này để viết tiếp các bài thơ sau này, vẫn ký là T.T.Kh…

Ngược với Nguyễn Vỹ thì một số tác giả, chẳng hạn như Hoàng Tiến, lại cho rằng chính cô Trần Thị Khánh, cô người yêu của Thâm Tâm đã sáng tác ra những bài thơ ký tên T.T.Kh. Một số tác giả khác còn tiến thêm một bước cụ thể hơn nữa khi cho rằng Trần Thị Khánh chính là em gái họ của nhà thơ Tế Hanh…

Với Nguyễn Bính, không thấy có những câu chuyện cụ thể như trường hợp của Thâm Tâm. Người ta chỉ dựa vào bài thơ Cô gái vườn Thanh đề tên tác giả Nguyễn Bính để cho rằng Nguyễn Bính chính là T.T.Kh.

( Sưu tầm)

Bài thơ cuối cùng (T.T.Kh.) 1938

Anh ạ, tháng ngày xa quá nhỉ…
Một mùa thu cũ một lòng đau.
Ba năm ví biết anh còn nhớ
Em đã câm lời có nói đâu ?

Đã lỡ thôi rồi chuyện biệt ly,
Càng khơi càng thấy lụy từng khi.
Trách ai mang cánh ti-gôn ấy
Mà viết tình em được ích gì ?

Chỉ có ba người được đọc riêng
Bài thơ đan áo của chồng em.
Bài thơ đan áo nay rao bán
Cho khắp người đời thóc mách xem.

Là giết đời nhau đấy biết không ?
Dưới giàn hoa máu tiếng mưa rung.
Giận anh, tôi viết dòng dư lệ
Là chút dư hương, điệu cuối cùng.

Từ nay anh hãy bán thơ anh,
Và để yên tôi với một mình.
Những cánh hoa lòng, hừ! đã ghét
Thì đem mà đổi lấy hư vinh.

Ngang trái đời hoa đã úa rồi,
Từng mùa gió lạnh sắc hương rơi.
Buồng “nghiêm” thơ thẩn hồn eo hẹp
Ai nhớ người không muốn nhớ lời.

Tôi oán hờn anh mỗi phút giây,
Tôi run sợ viết bởi rồi đây,
Nếu không im được thì tôi chết.
Đêm hỡi làm sao tối thế này ?

Năm lại năm qua cứ muốn yên,
Mà phương trời gió chẳng làm quên.
Mà người vỡ lở duyên thầm kín
Lại chính là anh, anh của em.

Tôi biết làm sao được hỡi trời!
Giận anh không nỡ, nhớ không thôi.
Mưa buồn mưa hắt trong lòng ướt
Sợ quá đi anh… có một người.

Bài thơ đan áo (T.T.Kh.)

Chị ơi, nếu chị đã yêu,
Đã buồn lỡ hái ít nhiều đau thương.
Đã xa hẳn quãng đời hương,
Đã đem lòng gởi gió sương mịt mùng.
Biết chăng chị mỗi mùa đông,
Đáng thương những kẻ có chồng như em.
Vẫn còn thấy lạnh trong tim,
Đan đi đan lại áo len cho chồng.
Như con chim hót trong lồng,
Hạt mưa rụng xuống bên sông bơ thờ.
Tháng ngày nổi tiếng tiêu sơ,
Than ôi gió đã sang bờ ly tan!

Tháng ngày miễn cưỡng em đan,
Kéo dài một chiếc áo len cho chồng.
Như con chim hót trong lồng
Tháng ngày mong đợi ánh hồng năm nao.
Ngoài trời mưa gió xôn xao,
Ai đem khóa chết tim vào lồng “nghiêm”.
Ai đem lễ giáo giam em,
Sống hờ trọn kiếp trong duyên trái đời…
Lòng em khổ lắm chị ơi!
Trong bao tủi cực với lời mỉa mai.
Quang cảnh lạ, tháng năm dài,
Đêm đêm nghĩ đến ngày mai giật mình.


Không giống như ba bài thơ còn lại được gửi tới tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy và đều làm bằng thơ bảy chữ, bài thơ Đan áo cho chồng này mặc dù cũng ký tên là T.T.Kh. nhưng lại được gửi đăng trên một tờ báo khác và được viết bằng thể thơ lục bát. Vì vậy việc bài thơ này có đích thực cùng tác giả với ba bài thơ còn lại hay không vẫn còn là một nghi vấn.

Trong Bài thơ cuối cùng (đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy sau thời điểm bài thơ Đan áo được đăng), T.T.Kh. đã viết “Chỉ có ba người được đọc riêng, Bài thơ đan áo của chồng em”. “Ba người” là những ai, và nhân vật “chị” trong bài thơ Đan áo này là ai? Tất cả vẫn chưa có lời giải đáp cuối cùng.

Bài thơ thứ nhất (T.T.Kh.)

Thủa trước hồn tôi phơi phới quá,
Lòng thơ nguyên vẹn một làn hương
Nhưng nhà nghệ sỹ từ đâu lại
Êm ái trao tôi một vết thương.

Tai ác ngờ đâu gió lại qua
Làm linh giấc mộng những ngày hoa
Thổi tan âm điệu du dương trước
Và tiễn người đi bến cát xa

Ở lại vườn Thanh có một mình
Tôi yêu hoa rụng lúc tàn canh
Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo
Yêu bóng chim qua, nắng lướt mành.

Và một ngày kia tôi phải yêu
Cả chồng tôi nữa lúc đi theo
Những cô áo đỏ sang nhà khác
Gió hỡi làm sao lạnh rất nhiều.

Từ đấy không mong, không dám hẹn
Một lần gặp nữa dưới trăng nghiêm
Nhưng tôi vẫn chắc nơi trời lạ
Người ấy ghi lòng vẫn nhớ em.

Đang lúc lòng tôi muốn tạm yên
Bỗng ai mang lại cánh hoa tim
Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên.

Đẹp gì một mảnh lòng tan vỡ
Đã bọc hoa tàn dẫu xác xơ
Tóc úa giết tàn đời thiếu phụ
Thì ai trông ngóng chả nên chờ.

Viết đoạn thơ đầu lo ngại quá
Vì tôi còn nhớ hẹn nhau xưa
Cố quên đi nhé, câm mà nín
Đừng thở than bằng những giọng thơ.

Tôi run sợ nốt lặng im nghe
Tiếng lá thu khô xiết mặt hè
Như tiếng chân người len lén đến
Song đời nào dám tưởng ai về.

Tuy thế tôi tin vẫn có người
Thiết tha theo đuổi nữa than ôi!
Biết đâu tôi một tâm hồn héo
Bên cạnh chồng nghiêm đứng tuổi rồi.

HAI SẮC HOA TIGON

Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người ấy với yêu thương

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong,
Và phương trời thẳm mờ sương cát,
Tay vít dây hoa trắng lạnh lòng.

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài trong lúc thấy tôi vui.
Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng thế thôi.

Thuở đó nào tôi có hiểu gì,
Cánh hoa tan tác của sinh ly,
Cho nên cười đáp: mầu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biết suy.

Đâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trời đau khổ chết yêu đương.
Người xa xăm quá, tôi buồn lắm
Trong một ngày vui, pháo nhuộm đường.

Từ đấy thu rồi thu lại thu,
Lòng tôi còn giá đến bao giờ.
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
“Người ấy” cho nên vẫn hững hờ.

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời,
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết,
Vẫn giấu trong tâm bóng một người.

Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhung hồng tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm phai

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi,
Một mùa thu cũ rất xa xôi.
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!

Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ,
Chiều thu hoa đỏ rụng, chiều thu…
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng,
Người ấy ngang sông đứng ngóng đò.

Nếu biết rằng tôi đã có chồng,
Trời ơi, người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ,
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng.

(http://diendan.hocmai.vn/archive/index.php/t-17318.html)

Thơ tkkh- Sự thật hay huyền thoại

Từ hồi còn nhỏ tôi đã được hân hạnh quen biết các nhà thơ Thâm Tâm, Trần Huyền Trân. Tôi đã thuộc lòng hầu hết thơ của các ông, và được các ông kể cho nghe nhiều chuyện liên quan đến văn học, nhưng tuyệt nhiên không một lần nào nói về lai lịch của T.T.Kh. Ngay cả sau khi cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân ra đời, có in cả thơ Thâm Tâm, Trần Huyền Trân và bài thơ mang tên T.T.Kh. các ông cũng không hề nói đến chuyện ấy. Trong Thi nhân Việt Nam viết về T.T.Kh. như sau: “Hồi tháng 9-1937, Tiểu thuyết thứ bảy đăng một truyện ngắn của ông Thanh Châu: “Hoa ti-gôn”. Ít ngày sau tòa báo nhận được bài thơ nhan đề: -“Bài thơ thứ nhất”. Rồi lại nhận được một bài nữa: “Hai sắc hoa ti-gôn”. Hai bài đều ký T.T.Kh. và đều một nét chữ run run. Từ đấy tòa soạn Tiểu thuyết thứ bảy không nhận được bài báo nữa và cũng không biết T.T.Kh. ở đâu. Nhưng đến khi bài thơ kia đăng rồi, xóm nhà văn bỗng xôn xao. Có mấy người nhất quyết T.T.Kh. chính là người yêu của mình. Và người ta đã phê bình rất náo nhiệt…”

Sở dĩ Hoài Thanh viết như vậy vì có nhiều người làm thơ hưởng ứng thơ T.T.Kh. J.Leiba cho đăng lại bài thơ “Hai sắc hoa ti-gôn” trên và viết mấy câu cảm đề phía dưới như sau:

Anh chép bài thơ tự trái tim

Của người thiếu phụ lỡ làng duyên.

Lời thơ tuyệt vọng ca đau khổ

Yên ủi anh và để tặng em.

Nguyễn Bính làm bài thơ “Dòng dư lệ”, phía trên có trích hai câu thơ T.T.Kh. trong bài thơ “Bài thơ thứ nhất” làm đề từ:

Cho tôi ép nốt dòng dư lệ

Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên.

Trong bài thơ Nguyễn Bính có nhắc đến Vườn Thanh cũng là lấy từ câu thơ T.T.Kh : Ở lại Vườn Thanh có một mình.

Nhưng vườn Thanh ở đâu? Theo nhà thơ Nguyễn Vỹ một bạn thơ của Thâm Tâm từ trước 1945, thì đó là vườn trong ngôi nhà phố Thanh Giám, sau là Văn Miếu, Hà Nội.

Thâm Tâm cũng làm bài thơ “Các anh” đăng Tiểu thuyết thứ bảy, số 307, ngày 4-5-1940, nguyên văn như sau:

Các anh hãy uống thật say

Cho tôi những cốc rượu đầy rồi im

Giờ hình như quá nửa đêm

Lòng đau, đau lại cái tin cuối mùa

Hơn đàn buồn như trời mưa

Các anh tắt nốt âm thừa đi thôi

Giờ hình như ở ngoài trời

Tiếng xe đã nghiến đường rời rã đi

Tâm tình anh nhạt đâu nghe

Tiếng mùa lá chết đã xê dịch nhiều

Giờ hình như gió thổi đều,

Những loài hoa máu đã gieo nốt đời

Bao nhiêu nghệ sĩ nổi trôi,

Sá chi cái đẹp dưới trời mong manh

Sá chi những chuyện tâm tình

Lòng đau đem chứa trong bình rượu cay !

Năm 1951, nhân làm công tác địch vận và quân báo của Liên khu III, tôi vào nội thành Nam Định hoạt động, ngẫu nhiên được đọc một bài báo của Anh Đào, đăng trên một tập san của Hà Nội tạm chiếm, tôi xiết bao kinh ngạc khi thấy trong đó có kể tường tận về mối tình giữa Thâm Tâm và T.T.Kh. (Ông Anh Đào bảo đó là tên viết tắt của Thâm Tâm và Khánh) riêng bài thơ “Các anh” của Thâm Tâm bị chép sai 2 câu (lòng đau đau lại cái tim cuối mùa, bị chép là: cái tin cuối mùa; Tâm tình lạnh nhạt đâu nghe, bị chép là: tâm hồn lạnh nhạt đêm nghe). Bài thơ còn bị kéo dài thêm 48 câu nữa, lời thơ rất dở không xứng với tài thơ của Thâm Tâm. Hình như tác giả bài báo cố tình bịa ra để gán cái tên Khánh vào trong bài, nhằm chứng minh T.T.Kh, tên thật là Khánh:

Miệng chồng Khánh gắn trên môi,

Hình anh mắt Khánh sáng ngời còn mơ…

… Khánh ơi ! Còn hỏi gì anh…

Tác giả bài báo còn bịa ra những bài thơ như “màu máu ti-gôn” bảo Thâm Tâm, trong đó có những câu như:

K. hỡi, người của tôi ơi,

Nào ngờ em giết chết một đời,

Dưới mồ đau khổ anh ghi nhớ,

Hình ảnh em hoài, mãi thế thôi !

Những câu thơ “con cóc” như thế dám cả gan gán cho Thâm Tâm hay sao? Chưa hết, bài “Dang dở” còn có những câu:

Thôi em nhé, từ đây anh cất bước

Em yên lòng vui hưởng cuộc đời vui

Đừng buồn thương nhớ tiếc hoặc ngậm ngùi

Muôn việc thảy đều do nơi số kiếp.

Nên nhớ: Thâm Tâm không hề làm thơ tám chữ bao giờ cả?

Tháng 3-1994

H.A

http://diendan.hocmai.vn/archive/index.php/t-17318.html)

T.T.Kh

T.T.Kh là bút danh của một nhà thơ ẩn danh trong phong trào Thơ mới (19301945), tác giả bài Hai sắc hoa Ti-gôn nổi tiếng. Nhiều người đã suy đoán lai lịch thật của T.T.Kh nhưng chưa có giả thuyết nào thuyết phục được công chúng

Câu chuyện

Sau khi truyện ngắn Hoa Ti gôn[2] của Thanh Châu đăng năm 1937 trên Tiểu thuyết thứ bảy (Hà Nội), tòa soạn nhận được hai bài thơ, do một thiếu phụ trạc 20, dáng bé nhỏ, thùy mi, nét mặt u buồn[cần dẫn nguồn], mang đến gửi cho chủ bút, ký tên T.T.Kh, xin đăng báo. Báo này đăng hai bài thơ đó và xin tác giả cho địa chỉ nhưng tác giả từ chối. Sự việc rắc rối là trong khi tác giả T.T.Kh im lặng thì một vài nhà thơ đương thời như Nguyễn Bính, Thâm Tâm đã sáng tác các bài thơ hưởng ứng trong đó dường như có biết, thậm chí có dính líu với đời tư người này từ trước (Cô gái vườn Thanh của Nguyễn Bính, Màu máu Ti gôn của Thâm Tâm). Từ đó, những lời đồn đại về T.T.Kh càng có thêm nhiều dị bản.

[sửa] Tác phẩm

T.T.Kh chỉ đăng 4 tác phẩm rồi bặt danh.

  • Hai sắc hoa Ti-gôn (1937)
  • Bài thơ thứ nhất (1937)
  • Đan áo cho chồng (1937)
  • Bài thơ cuối cùng (1938)

(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)