Tiểu sử và sự nghiệp văn học : Lan Khai một đời mệnh bạc

Lan Khai sinh năm Bính Ngọ 1906, vào buổi trưa hè ngày 24/6, trong một căn nhà lá 3 gian vách gỗ tại xã Vĩnh Lộc (nay là thị trấn Vĩnh Lộc) huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Chỉ trong vòng 17 năm của đời cầm bút ngắn ngủi, 39 năm hưởng dương, ông đã để lại một khối lượng sáng tác đồ sộ gồm 50 cuốn sách của các thể loại.

Giờ, theo hành trình gió sương mưu sinh của những người con, di ảnh ông lại được đưa về hưởng nhang tại một góc phố chợ nơi thị xã miền biên viễn Hà Giang. Đây là câu chuyện tôi ghi lại về ông từ trí hồi tưởng của người con trai còn lại duy nhất, gắn bó với ông nhất và có lẽ là đứa con ông yêu nhất: Ông Lan Phương.

Thanh bần mà đồ sộ

Những người cùng thời và hậu thế sau này yêu thích văn chương của Lan Khai đều nghĩ rằng ông là người miền núi, cho ông là nhà văn “đường rừng”. Thế nhưng thực tế nguồn gốc xuất thân của ông không hẳn như vậy. Huyết thống để tạo dựng nên con người ông lại thuộc hàng trâm anh thế phiệt, họ Nguyễn, gốc Đàng trong, thuộc phủ Thừa Thiên – Huế.

Ông Lan Khai tên thật là Nguyễn Đình Khải, cha ông là Nguyễn Đình Chức – người vì hưởng ứng phong trào Cần Vương đã chạy từ Huế ra Hương Sơn (Hà Tĩnh) tham gia cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng. Khi căn cứ Ngàn Trươi tan rã, tướng quân Phan Đình Phùng ra đi, ông Chức do dấn thân và đóng góp nhiều quá cho cuộc khởi nghĩa này nên đã phải chạy lên tận miền sơn cước Vĩnh Lộc, Chiêm Hóa để náu thân. Tại nơi sơn lam chướng khí này, ông đã chọn nghề dạy học, bốc thuốc để mưu sinh và để đức cho đời.

Do đức tín của nghề thuốc và nghề thầy, lại thêm tinh thần nghĩa sỹ vốn cuộn chảy nên ông Nguyễn Đình Chức nhanh chóng trở thành người có uy tín trong vùng và được một gia tộc bề thế trên đây gả cho cô con gái yêu của mình là Lê Thị Thục. Sự giao duyên giữa 2 con người thuộc loại “trai anh hùng, gái thuyền quyên” đã cho ra đời ông Nguyễn Đình Khải, nhà văn nổi tiếng Lan Khai sau này.

Ông Lan Khai là người thông tuệ. Người ta đồn rằng cha mẹ ông cho ông cắp sách đến đâu học ông cũng nhanh chóng “lấy được hết chữ”, “lấy được hết kiến thức” của người dạy mình, đó là còn chưa kể đến tài vẽ vời, làm thơ, viết văn của ông. Ấp ủ những điều chưa làm được cho đời của mình, coi chữ nghĩa và kiến thức là trên hết nên cha ông đã bạo gan đưa ông xuống Trường Bưởi để học. Đây là một việc làm táo bạo, hết lòng vì con của cha mẹ ông. Vì ngày ấy, ở nơi heo hút, nghèo khó như Tuyên Quang, một gia đình giáo viên kiêm nghề bốc thuốc như ông Chức mà dám đem tiền đưa con xuống Hà Nội học là chuyện “lạnh người”.

Học xong Trường Bưởi, năm 18 tuổi ông thi đỗ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, một trường có tiếng của chế độ bảo hộ Pháp quốc lúc bấy giờ, đây cũng là ngôi trường đào tạo ra nhiều người nổi tiếng sau này. Năm 21 tuổi, trong dặm đường đi về giữa Hà thành và xứ Tuyên ông đã gặp và kết duyên với bà Hà Thị Minh Kim, một người con gái có nhan sắc, nết na và nhân hậu có một không hai của xứ Tuyên Quang.

Bà Hà Thị Minh Kim, người vợ, người trợ bút đắc lực cho nhà văn Lan Khai.

Lấy vợ xong, để vợ lại xứ Tuyên với bời bời mây trắng và sự cuộn chảy dữ dội của hai dòng Lô, Gâm nơi thượng nguồn, ông lại về Hà Nội tiếp tục công việc học hành. Nhưng học dưới mái trường của chế độ bảo hộ, một phần bị bức ép, thêm phần nữa với sự khinh miệt dân An Nam của một số người lúc bấy giờ nên ông đã quyết định bỏ học, về xứ Tuyên êm đềm và thơ mộng để dạy học, dịch sách và viết văn.

Với tài năng của mình cùng với duyên bút mực, tuy ở chốn thâm u thượng ngàn nhưng chỉ 5 năm sau ông đã thành danh với các thể loại, tiếng tăm “động” cả đến giới văn chương Hà Nội lúc bấy giờ. Trên đà này, để có môi trường và những giao lưu trong sáng tác, ông đã quyết định đưa cả 8 người trong gia đình mình về Hà Nội thuê nhà viết văn kiếm sống. Các tờ báo có tên tuổi lúc bấy giờ như: Loa, Ngọ Báo, Đông Tây, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Phổ thông Bán nguyệt san… liên tục đăng bài của ông. Sau khi lựa chọn, năm 1938 ông quyết định về với Tiểu Thuyết Thứ Bảy.

Một năm sau, năm 1939, Vũ Đình Long, “trùm xuất bản” gạo cội của ngành báo và tạp chí ở Hà Nội lúc bấy giờ đang làm chủ Nhà xuất bản Tân Dân có sáng kiến xin giấy phép ấn hành Tạp chí Tao Đàn. Đây là tạp chí đầu tiên chuyên ngành về văn học của làng báo nước ta lúc bấy giờ. Để có tờ tạp chí ghi dấu ấn trong lịch sử làng báo, ông Long đã đi tìm người tài. Và cái tâm, cái tầm của Lan Khai đã được ông chú ý. Lan Khai được ông Vũ Đình Long rủ về và đặt ngay cương vị Tổng thư ký Bộ biên tập mà ngày nay gọi là Tổng biên tập lúc ông mới bước sang tuổi 33.

Được ông Vũ Đình Long ưu ái nhưng với cách quản lý tiền của ông Long nên tuy nổi tiếng nhưng ông Lan Khai ngày ấy vẫn đói lắm. Và để kiếm đủ tiền thuê nhà, nuôi 8 miệng ăn, mỗi tháng ngoài cộng tác với báo và các tạp chí khác thì ngay ở Nhà xuất bản Tân Dân thôi ông Lan Khai cũng phải viết được một cuốn sách dày 100 trang với tư cách làm thuê cho ông Long. Mỗi trang lúc đó ông Long trả ông Lan Khai 8 hào.

Con trai ông kể rằng ngày ấy nhà văn Lan Khai viết “như thụi” nhưng gia đình cũng chẳng dư dật được tẹo nào cả. Là nhà văn nổi tiếng nhưng ông vẫn phải hút thuốc lào, uống rượu với lạc rang, thức ăn thường xuyên là rau muống và cà pháo. Trong hồi tưởng về những ngày cơ cực này của nhà văn nổi tiếng Lan Khai, nhà văn Nguyễn Vỹ có đoạn: Bữa ấy nghe tin người nhà trên Tuyên Quang ốm nặng, ông Lan Khai đã phải mò đến các nhà xuất bản vay tiền. Vay đến mức nài nỉ nhưng ai cũng cấn cá. Cuối cùng ông phải rút tập bản thảo ra mà hứa là sẽ sớm hoàn thành họ mới cho ông vay 20 đồng. Ông về nhà vứt nó xuống giường mà nước mắt tràn trề trên má. Cơ cực thật!

Nhưng kỳ lạ thay, chính trong thời kỳ khốn khó này lại là lúc ông Lan Khai tỏa sáng và viết được nhiều nhất trên văn đàn. 17 năm cầm bút, ông đã để lại cho đời tới 50 cuốn sách thuộc các thể loại như: Tiểu thuyết, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết tâm lý xã hội, nghiên cứu lý luận và phê bình văn học, dịch sách, làm thơ (thơ ông lấy bút danh là Lâm Tuyền Khách). Riêng tập “Truyện đường rừng” của ông đã hút hồn nhiều người, làm mê mẩn bao thiếu nữ Hà Nội lúc bấy giờ.

Chạnh lòng phố núi

Đối diện với cái ồn ào của phiên chợ trung tâm phố núi miền biên ải Hà Giang là khung cảnh êm đềm, cảm giác ẩm lạnh của ngôi nhà số 142, đường Nguyễn Thái Học, nơi thờ tự vong hồn của cố nhà văn “đường rừng” nổi tiếng Lan Khai và sự cung phụng vong linh của người con còn lại duy nhất Nguyễn Lan Phương. Ngôi nhà hẹp, hai tầng, xây cất theo kiểu đơn giản này chỉ nhộn nhịp vào mỗi buổi sáng khi có người ăn phở tìm đến. Ông Lan Phương và hậu duệ tiếp theo của nhà văn nổi tiếng Lan Khai đã chọn nghề bán phở để mưu sinh trong nhiều năm.

Ông Lan Phương kể: Chúng tôi ở cùng cha dưới Hà Nội phồn hoa chỉ trong vòng 9 năm ngắn ngủi. Kỷ niệm về bố với ông không phải là một nhà văn nổi tiếng mà là những đức tính mẫu mực. Ông Phương bảo, làm lụng vất vả người ta thường xuyên cáu gắt nhưng với ông Lan Khai lại không hề như vậy. Sau mỗi ngày lang thang phố xá, lao khổ với bút nghiên để kiếm cái ăn nhưng về khu trọ lúc nào ông cũng dành cho vợ và con một không gian đầy ắp tiếng cười. Không bao giờ ông to tiếng, cả cuộc đời ông chưa bao giờ chửi vợ mắng con. Có gì không đồng ý thì ông lên tiếng dạy bảo, chỉ với tư cách là người lớn tuổi, người đi trước trong gia đình mà thôi. Ra phố về lúc nào ông cũng cắp nách một món quà nhỏ cho lũ con và vợ ở nhà cùng tập bản thảo. Rỗi, ông thường dành thời gian chơi với các con và dạy các con học.

Sau, đến năm 1943, do lao khổ bút nghiên nặng nhọc nên ông đổ bệnh hen suyễn. Sức khỏe suy giảm, gia đình lâm cảnh khốn khó, túng bấn nên Lan Khai lại đưa cả gia đình ngược Tuyên Quang. Về trên này ông vẫn dành thời gian viết và duy trì cộng tác cũng như các mối quan hệ với bạn văn gạo cội ở Hà Nội dưới sự trợ bút đắc lực của người vợ Hà Thị Minh Kim. Thế rồi một buổi trưa ngày cuối tháng 8 năm 1945, Lan Khai từ phố về, gọi ông Phương pha cho ấm trà. Vừa uống xong hớp nước, chưa kịp ăn cơm thì có một người lạ đến, mời ông đi với một công việc khẩn kíp gì đó. Ông đi rồi không về nữa. Vậy nên vợ và các con ông đã chọn ngày cuối tháng 8 hằng năm tổ chức làm giỗ.

Ông Nguyễn Đình Khải lấy bút danh là Lan Khai vì ông thích loài hoa này. Mỏng manh với núi đồi, sống phù phiếm nhưng để lại làn hương dễ chịu cho đời. Bút danh này cũng đã “ám” vào thân phận ông. Ngắn ngủi, ẩn dật, không xô bồ nhưng tinh khiết và đẹp đẽ đến vô ngần.

Ông Lan Khai kết duyên với bà Hà Thị Minh Kim sinh hạ được 4 con đều giai. Con ông ai cũng được ông đệm cho cái tên Lan cả, với các tên: Nguyễn Lan Hương, Nguyễn Lan Phương, Nguyễn Lan Hoa, Nguyễn Lan Diệp. Người con Nguyễn Lan Hương thì hy sinh từ thời chống Pháp, không xác định được mộ chí như bố. Lan Hoa, Lan Diệp đều đã mất cả rồi. Giờ chỉ còn ông Lan Phương, người trụ lại với ngổn ngang chuyện đời, chuyện gia đình để hương khói cho nhà văn Lan Khai.

Trong các con, ông Lan Phương được ông Lan Khai quý nhất và ông cũng là người gần gũi với ông Lan Khai nhiều nhất. Thế nhưng cũng như bố, ông Lan Phương cũng lận đận lắm. Ông Lan Phương sinh năm 1928. Năm 1950, trong thế trận tiễu phỉ ông đã lên Hà Giang. Tham gia kháng chiến ở Sở Tuyên truyền Liên khu 10, vào mặt trận khốc liệt của phỉ tại huyện Hoàng Su Phì, rồi sang cán bộ thuế, lại về ngành giao thông. Cuộc đời bị bắn bẩy nhiều nơi, nhiều ngành, chịu khó, chịu khổ. Ông có 5 người con nhưng học hành đều dang dở, không ai tham gia công việc hay có chức trách gì. Ông đang ở với con thứ 4, người con này cũng đang kế tục nghiệp bán phở của bố và cùng ông Lan Phương thờ tự ông nội là nhà văn nổi tiếng Lan Khai.

Qua khu vực tầng 1 ngổn ngang bàn ghế để bán phở cho khách tôi tìm lên tầng 2, phía gian trong để thăm nơi thờ tự của nhà văn nổi tiếng Lan Khai. Chỗ thờ tự ông giản đơn như cuộc sống những tháng ngày mà ông còn sống. Một bức chân dung treo chênh vênh nơi góc tường, đối diện là chiếc tủ sách nhỏ lưu giữ một số đầu sách được in mới về các tác phẩm của ông do các nhà xuất bản gửi tặng.

Lan Khai để lại cho đời 50 đầu sách. Ngoài con người và văn chương thì những bài viết thuộc thể lý luận và phê bình văn học của ông đã đăng trên Tạp chí Tao Đàn như: Tính cách Việt Nam trong văn chương (Tao đàn số 4), Thiên chức của văn sĩ Việt Nam (Tao đàn số 5), Cái nguy mất gốc (Tao đàn số 6), Một lòng tin cần phải có (Tao đàn số 7), Bàn qua về nghệ thuật (Tao đàn số 7), Phác họa hình dung tâm tính Tản Đà (Tao đàn số 9-10), Con người Vũ Trọng Phụng (Tao đàn số đặc biệt)… thì đến nay đọc vẫn còn “kinh” lắm và chưa dễ mấy ai qua được cách nhìn nhận của ông

Đơn Thương

Leave a Reply

Your email address will not be published.